10 Lý Do Chính Đáng Để Bỏ Việc

09/05/2018 - 07:00 25310     0

Bạn có bao giờ trằn trọc giữa đêm, băn khoăn tự hỏi mình liệu đã đến lúc từ bỏ công việc hiện tại hay chưa? Bạn có sợ hãi với việc thức dậy mỗi buổi sáng để đi làm không? Hay bạn có ngồi ở nơi làm việc nhưng lại mơ màng đến cảnh bạn đang làm ở một nơi khác không? Nếu có, thì trước khi tự chẩn đoán rằng mình bị trầm cảm, hãy nghĩ xem liệu đã đến lúc nên “nhảy việc” hay chưa.

Nếu bạn làm việc toàn thời gian, và dành hầu hết thời gian ở chỗ làm - thì tốt hơn hết bạn nên dành thời gian để làm việc cho một doanh nghiệp xịn, xung quanh là các đồng nghiệp giỏi, và theo đuổi một công việc thực sự khiến bạn hạnh phúc. Theo số liệu thống kê năm 2012 của Bộ Lao động Hoa Kỳ, một người lao động trung bình chỉ làm một công việc trong khoảng thời gian dưới 5 năm.

Việc cứ mãi theo đuổi một công việc làm bạn khổ sở sẽ phá hủy cả tinh thần và sự nghiệp của bạn. Để bảo vệ hai điều này, bạn hãy tiếp tục đọc bài viết dưới đây để xem liệu bạn có đang sở hữu một hoặc một vài trong số 10 lý do chính đáng để nghỉ việc dưới đây.

BẠN CÓ THỂ TIẾP TỤC LÀM MỘT CÔNG VIỆC MÀ BẠN KHÔNG HỀ YÊU THÍCH, TUY NHIÊN...

Nhân viên không phải chỉ là một bộ kỹ năng hay các công cụ - họ là con người; và con người thì sẽ gặp phải vấn đề khi họ làm điều gì đó không phù hợp với họ (đặc biệt là trong một thời gian dài). Vấn đề thường gặp nhất là sự kiệt sức vì thiếu ngủ thường xuyên, rối loạn ăn uống và làm việc ngoài giờ.

Các công ty dù có thể mất nhiều thời gian, nhưng sẽ đều tính toán được chi phí tổn thất gây ra nếu nhân viên kiệt sức khi họ bỗng dưng làm việc kém hiệu quả hay kém năng suất. Xã hội cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự kiệt sức trong môi trường làm việc, điều này góp phần làm gia tăng tỷ lệ ly hôn, bạo hành gia đình và thậm chí cả tự sát.

Một trong những yếu tố chính gây ra sự kiệt sức của người lao động là thiếu ngủ. Thiếu ngủ ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên và văn hóa doanh nghiệp vì người ta đã chứng minh được rằng những nhân viên mất ngủ thì thường ít thể hiện cảm xúc hơn.

Nếu bạn đang chịu đựng các triệu chứng như thiếu ngủ, lo lắng, trầm cảm, hoặc rối loạn ăn uống, đặc biệt là trong khi làm việc hoặc ngay trước khi đi làm, hãy lưu ý và liên hệ với EAP (Chương trình Hỗ trợ Nhân viên) tại nơi làm việc của bạn hoặc bắt đầu nghĩ về nơi làm việc khác hoặc một nguồn thu nhập thay thế cho công việc hiện tại.

Nghiên cứu chỉ ra rằng một người bình thường mất từ ​​một đến hai năm để quyết định trước khi “nhảy” từ công việc mà họ không hài lòng sang việc mà họ phù hợp hơn. Đây là một thời gian quá dài để làm công việc mà không mang lại sự hạnh phúc cho bạn. Nghiên cứu này cũng khẳng định "một năm sau khi nhảy việc, mọi người đều hài lòng hơn đối với công việc, cải thiện sự ổn định công việc và giảm tổng số giờ làm."

Việc lựa chọn con đường sự nghiệp sai lầm ngay từ đầu dẫn đến kết cục là nhảy việc. Vì vậy, hãy học hỏi từ những sai lầm của bạn và đừng lặp lại chúng nữa. Hãy luôn nhớ rằng cơ thể của bạn là một “nhiệt kế” để đánh giá sự nghiệp... - hãy chú ý đến thể chất và những triệu chứng tâm lý như việc vật vã thức dậy vào buổi sáng dù bạn đã đi ngủ đúng giờ tối hôm trước. Đó là điều mọi người gặp phải khi họ không hài lòng với công việc của họ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÔI BIẾT ĐƯỢC CÔNG VIỆC MỚI SẼ TỐT HƠN CHO TÔI?

Chúng ta sẽ tự cảm nhận được nếu chúng ta hài lòng với những gì mình đang làm - ví dụ như sẽ ngủ ngon hơn và đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Nhưng cũng có một số dấu hiệu khác cho thấy nhân viên đang tận hưởng công việc của họ. Đúng vậy, tuy lương cao và cơ hội thăng tiến là những dấu hiệu hàng đầu, nhưng đây không phải là cách duy nhất để khiến nhân viên giỏi luôn sẵn sàng làm việc và cảm thấy hạnh phúc.

Nơi làm việc cũng có thể cung cấp cho nhân viên nhiều điều để đảm bảo nhân viên giảm căng thẳng và tăng được mức hưởng thụ cao hơn, ví dụ như:

  • Cung cấp thực phẩm sạch, phòng mát xa và yoga trong công ty
  • Có nhiệt độ nơi làm việc phù hợp (không quá lạnh, không quá nóng).
  • Một nơi làm việc yên tĩnh.
  • Trả lương theo giờ chứ không phải lương theo tháng.
  • Lịch làm việc linh hoạt và được lựa chọn làm việc ở nhà tùy thời điểm - rốt cuộc thì có ai không thích ở nhà và ăn mặc thoải mái cả ngày không?
  • Chỉ ra cho nhân viên thấy công việc của họ thực sự phù hợp với bức tranh toàn cảnh - giúp công ty đạt được mục tiêu chung.
  • Đánh giá cao công việc của các thành viên trong nhóm - việc nói 'Cảm ơn' không phải là điều quá khó.
  • Thực sự quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu nghề nghiệp và mục tiêu cá nhân cho tương lai của nhân viên.
  • Lắng nghe ý kiến, gợi ý và khiếu nại của nhân viên.
  • Cung cấp các khoản tiền hoặc các khoản thưởng khác cho các thành viên trong nhóm vì đã đạt được mục tiêu cá nhân hoặc mục tiêu chung. 

Đọc thêm: 4 Dấu Hiệu Cho Thấy Nhân Viên Sắp Nghỉ Việc

10 LÍ DO CHÍNH ĐÁNG ĐỂ NGHỈ VIỆC

Vậy thì, làm thế nào để bạn biết đã đến lúc từ bỏ công việc hiện tại của mình? Dưới đây là 10 dấu hiệu nổi bật nhất:

Lý do 1: Bạn sợ làm việc

Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:

  • Bạn có vật vã khi đi làm không? (đặc biệt là trong những ngày đẹp trời và khối lượng công việc của bạn không hề nặng)
  • Công việc hiện tại có khiến sức khỏe và tinh thần của bạn bị phá hủy không?
  • Bạn có đánh mất lòng nhiệt huyết / niềm đam mê đối với nghề nghiệp / đồng nghiệp / công ty của bạn không?
  • Có phải bạn không học được gì mới ở nơi làm việc của bạn trong một thời gian rất dài không?
  • Nếu bạn trả lời "Có" đối với một trong số những câu hỏi trên, hoặc bạn vừa mới trở lại từ kỳ nghỉ thư giãn dài nhưng đã cảm thấy khổ sở trong ngày đầu tiên trở lại làm việc, thì lí do là vì bạn không còn tin tưởng vào công ty của mình nữa hoặc đơn giản là vì môi trường làm việc của bạn đã trở nên độc hại rồi.

Bất kể lí do là gì, nếu kết quả là một số hoặc tất cả những điều sau đây thì hoặc là niềm đam mê công việc của bạn đã biến mất; bạn thực sự ghét đồng nghiệp, hiệu suất của bạn rất tệ hại hoặc bạn đang chán nản đối với công việc của mình, thì thôi bạn nên nghỉ việc đi.

Lý do 2: Cuộc sống riêng tư của bạn có quá nhiều vất vả

Bạn cảm thấy mình không còn thời gian cho cuộc sống bên ngoài kể từ khi bạn đi làm. Bạn thấy mình đánh mất cơ hội tụ họp với gia đình và bạn bè chỉ vì bạn phải làm việc muộn. Khi bạn xoay sở để thoát khỏi một nhóm, bạn cảm thấy mình vô hình và bạn mệt mỏi vì điều đó. Mọi người xung quanh thì bắt đầu góp ý là bạn đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hơn.

Bạn có một vấn đề cá nhân cần giải quyết nhưng bạn không thể nào thực hiện điều đó trừ khi bạn ngừng làm việc.

Bạn thường xuyên căng thẳng, chán nản và không hài lòng trong công việc. Bạn thường phải làm thêm giờ. Bạn được yêu cầu làm việc vào những những ngày cuối tuần hay ngày nghỉ. Tóm lại là, bạn cảm thấy mình đánh mất sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Nếu bạn nhìn thấy những điều trên, thì công việc của bạn đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của bạn một cách tiêu cực. Có vẻ như đã đến lúc bạn nên dừng lại và chuyển hướng.

Lý do 3: Không có thăng tiến trong công việc

Nếu bạn chỉ làm một việc trong thời gian rất dài, công việc bắt đầu lặp đi lặp lại và nhàm chán. Đó là lý do tại sao đôi khi những người nhân viên sẽ đưa ra đề xuất hoặc chính sếp đề xuất thăng chức, tiến cử họ. Nếu bạn đã sẵn sàng cho những thách thức và trách nhiệm mới, bạn cảm thấy rằng mình thừa năng lực hoặc chưa được tận dụng tối đa, hãy yêu cầu chuyển sang một vị trí mới trong công ty.

Hãy giải thích cho sếp hiểu rằng các kỹ năng của bạn không được tận dụng triệt để, ý kiến của bạn không được thấu hiểu hoặc công việc của bạn đã thay đổi nhưng chức vụ và mức lương thì không. Tuy nhiên, nếu bạn làm việc rất chăm chỉ mà không có thăng tiến, thì cách duy nhất để thúc đẩy sự nghiệp của bạn là đổi sếp.

Lý do 4: Sếp của bạn xấu tính và họ sẽ mãi như vậy

Các nhân viên giỏi bỏ việc vì công tác quản trị yếu kém. Nếu bạn đang bị lạm dụng (bị bắt nạt hoặc quấy rối tình dục) hoặc bạn đã từng chứng kiến ​​hành vi bất hợp pháp khác ở nơi làm việc, bạn không nên chỉ lẳng lặng tìm việc khác, mà hãy báo cáo hành vi này với chính quyền một cách kịp thời và an toàn. Tương tự, nếu có lúc bạn biết nhiều hơn sếp, nhưng đó là một người hai mặt, được hội đồng quản trị rất yêu quý và luôn muốn giữ ông ta/bà ta ở lại với công ty này lâu dài- thì bạn hãy dừng mấy việc lo lắng chẳng đâu vào đâu lại và hãy nhảy việc đi.

Lý do 5: Bạn thích sếp cũ và ghét sếp mới

Giống như triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus đã nói rằng "Điều duy nhất không thay đổi trong vũ trụ này là sự thay đổi", khi có sếp mới - có thể bạn sẽ được đãi ngộ tuyệt vời, nhưng đôi khi lại là một cơn ác mộng..

Khi có sếp mới, và bạn đã cố gắng hết sức để hòa hợp với ông ấy, nhưng sếp không hiểu bạn và bạn nhận ra không cùng quan điểm với sếp, thì hãy hiểu sự thật rằng sếp cũ đã ra ý nhắc nhở hoặc cảnh tỉnh rằng bạn sẽ không còn ở đây lâu đâu, và bạn cũng có thể phải thay đổi định hướng nghề nghiệp giống họ... hoặc ít nhất là nhân viên của bạn phải làm vậy.

Lý do 6: Nghề tay trái khởi sắc

Trong lúc bạn làm việc toàn thời gian, bạn lại phải làm việc bán thời gian cho công việc kinh doanh riêng (sau giờ làm việc hoặc trong những ngày cuối tuần/ngày nghỉ). Bạn đã làm công việc tự do trên một số diễn đàn trực tuyến và cơ sở khách hàng của bạn đã tăng đáng kể (khách hàng hiện tại đang giới thiệu bạn với khách hàng tiềm năng).

Nếu bạn đang ở thời điểm mà việc kiếm tiền hai bên là như nhau hoặc thậm chí part time nhiều tiền hơn full time, và bạn đang ngày càng thích thú với việc đó thì thật tốt cho bạn.

Nếu bạn cũng tin rằng mình sinh ra để làm những điều lớn lao và cao cả hơn, và bạn luôn sống với cảm giác dai dẳng rằng ở ngoài kia sẽ có thứ gì đó thực sự sẽ mang đến nhiều niềm vui, tiền bạc và sự công nhận hơn thì đó có thể là công việc tay trái của bạn. Nếu đây chính là con người bạn, thì bạn hãy chiến đấu vì nó.

Lý do 7: Công ty đang trên đà suy thoái

Nếu như bạn đang đọc bài báo này, bạn sẽ nhìn thấy mình trong tình huống sau:

  • Trễ hoặc bùng lương;
  • Cắt thưởng
  • Hủy các hoạt động hoặc các chuyến nghỉ mát của công ty
  • Không tuyển dụng nhân viên mới;
  • Không mua thiết bị /công cụ làm việc
  • Ngày một nhiều cuộc họp kín;
  • Các thành viên  thuộc nhóm lãnh đạo cấp cao rời công ty;
  • Có nhiều thủ tục kiểm soát và hạn chế ngân sách chi tiêu,

Hãy nhớ rằng công ty của bạn có thể sẽ gặp rắc rối và thậm chí có thể nó sắp bị phá sản sớm. Trước khi nợ lương tăng cao, hãy giảm rủi ro bằng cách bỏ việc.

Mẹo: Hãy nộp đơn xin việc khác trước khi công ty của bạn phá sản - nếu không, bạn sẽ phải cạnh tranh với các đồng nghiệp của bạn cho cùng một vị trí trong cùng ngành.

Lý do 8: Bạn có các mục tiêu cuộc sống khác cần theo đuổi

Bạn có mơ mộng làm việc khác trong khi bạn đang đi làm luôn tay luôn chân không, chẳng hạn như:

  • Phát triển tài năng của bạn (âm nhạc, nghệ thuật, diễn xuất, v.v ...)
  • Học cao hơn
  • Theo đuổi môn thể thao yêu thích
  • Khởi nghiệp
  • Du lịch

Nếu có thì tốt, bạn sẽ cân nhắc để bỏ việc và theo đuổi những thứ đó, hoặc tùy theo số vào tiền tiết kiệm của bạn, bạn có thể chuyển công việc full time thành part time. Trước khi làm điều gì, hãy đảm bảo rằng (điều này rất quan trọng) bạn có thể sống sót nhờ vào khoản tiết kiệm của mình hoặc bạn đang có những dòng thu nhập thụ động khác trong khi không đi làm

Lý do 9: Bạn không có mức lương xứng đáng

Nếu sếp từ chối yêu cầu tăng lương của bạn, và bạn để ý thấy rằng nhân sự cùng năng lực giống mình được trả lương cao hơn tại các công ty của đối thủ cạnh tranh, thì đừng sợ mà hãy đổi luôn đồng đội.

Tuy nhiên, trước khi bạn yêu cầu tăng lương, hãy chắc chắn nó công minh và thuyết phục (thấu tình đạt lý), nghĩa là bạn phải đảm bảo rằng lợi nhuận bạn tạo ra cho công ty lớn hơn mức lương hiện tại.

Đừng cố tiếp cận sếp chỉ vì cần tiền, hoặc nghĩ là rằng bạn có quyền hoặc thừa thời gian để đòi nhiều tiền - thay vào đó thì hãy lao vào làm thêm; sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp cả khi không được nhờ và nâng cao kỹ năng hiện có hoặc học hỏi những kỹ năng mới. Nếu những điều này cũng không có tác dụng, bạn nên cuốn gói ra đi là vừa.

Lý do 10: Niềm vui khi nói lời tạm biệt: “Bái bai nhé cưng”

Lý do cuối cùng, và quan trọng nhất là thiếu sự vui vẻ. Trước đây, ngoài căng thẳng và sự đòi hỏi cao thì công việc của bạn cũng còn rất vui nhộn, nhưng giờ ngay cả điều đó cũng tan biến khiến công việc khô khan và chán ngắt. Bạn không còn thích công ty hay đồng nghiệp của mình nữa. Bạn không thấy buồn cười trong những câu chuyện hài của họ nữa. Khi nghĩ đến tương lai, bạn thấy công việc / không gian làm việc của mình không còn thú vị hay hấp dẫn nữa. Khi đó thì đừng nhìn lại hay hối tiếc - hãy bỏ việc đi.

Lời cuối cùng

Nếu bất kỳ lý do nào trong số 10 lý do hàng đầu này trùng với hoàn cảnh của bạn, thì đã đến lúc bạn bỏ việc rồi. Nếu bạn quyết định thay đổi cuộc đời mình, hãy khôn khéo nhé- đừng qua cầu rút ván bằng cách viện lí do linh tinh để nghỉ việc, hãy cứ nghỉ việc một cách văn minh và lịch sự. Có thể hơi đáng sợ; nhưng, đừng quên rằng điều đáng sợ hơn cả là tiếp tục ở lại.

 

 

Nguồn : SAGA.VN

Saga App

Saga App