10 Con Đường Ngắn Nhất Giúp Doanh Nghiệp Lọt Vào Danh Sách Phá Sản

Duy Khúc
01/10/2015 - 21:00 9016     0

Chuyện các doanh nghiệp mới thành lập nhanh chóng chết yểu đã trở nên quá đỗi bình thường. Hãy tránh xa những sai lầm dưới đây để công ty bạn sẽ không gia nhập danh sách doanh nghiệp phá sản sau 1 năm hoạt động.

Là chủ một doanh nghiệp nhỏ, bạn có thể phá sản bất cứ lúc nào. Khi bắt đầu vận hành một doanh nghiệp, tâm huyết không giới hạn mà bạn dành cho “đứa con mới sinh” của mình có thể dẫn tới việc chi tiêu không kiểm soát. Trước khi lợi nhuận thu về có thể bù đắp được chi phí bỏ ra, việc chi tiêu vô tội vạ là một trong những lý do phổ biến nhất khiến công ty của bạn phá sản.

Thật không may, đó không phải là lý do duy nhất. Hãy chú tâm tới 10 sai lầm phổ biến liên quan đến tiền có thể khiến doanh nghiệp bạn lụi bại sau đây:

1. Không để ý tới dòng tiền

Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ nghĩ rằng họ chỉ cần theo dõi doanh số bán hàng, và không để ý tới báo cáo lưu chuyển tiền mặt (cash flow) hàng tháng. Họ thậm chí không thể trả lời được câu hỏi đơn giản  rằng: “Tiền gửi trong ngân hàng tháng vừa rồi của doanh nghiệp tăng hay giảm?”. Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng bởi hầu hết các công ty nhỏ phá sản là bởi vì họ cạn kiệt tiền mặt.

Rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ tự xem mình là người ưa mạo hiểm - họ muốn đặt cược tất cả vào sản phẩm tiếp theo, hay hi vọng một người hoặc công ty khác sẽ cứu cánh cho doanh nghiệp, khiến cho họ tiến xa hơn với khoản lợi nhuận kếch sù.

Để không phá sản: Hãy yêu cầu kế toán dạy bạn cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền mặt. Ít nhất, hãy xem xét bản sao kê tài khoản ngân hàng để xem công ty bạn có nhiều hay ít tiền mặt hơn vào cuối tháng so với tháng trước.

2. Đầu tư quá nhiều vào sản phẩm hoặc cơ sở hạ tầng lúc ban đầu

Đừng tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm hoàn hảo hoặc cơ sở hạ tầng hiện đại, khang trang đẹp đẽ trước khi bạn thu về đủ doanh số để hỗ trợ việc đó. Nhiều chủ doanh nghiệp bỏ ra quá nhiều tiền để phát triển sản phẩm của mình và không đủ còn đủ tiền để tiếp thị hoặc xây dựng một kênh phân phối cho nó.

Để không phá sản: Như Eric Ries đã khuyên trong cuốn “Khởi nghiệp tinh gọn” (“The Lean Startup”): "Hãy tạo ra các sản phẩm khả thi với số lượng tối thiểu và thử nghiệm xem khách hàng có thực sự mua nó hay không trước khi tiếp tục sản xuất hàng loạt."

3. "Tỏ ra" quá thành công

Thông thường, các chủ doanh nghiệp nhỏ vừa mới bắt đầu kinh doanh sẽ bỏ ra một đống tiền sắm sửa, như nội thất văn phòng xa hoa,  ô tô đi thuê và các chuyến đi công tác đắt đỏ,… để trông giống một doanh nhân thành đạt trước khi họ thực sự đạt được điều đó. Sau bóng bóng dotcom vào đầu năm 2000, nhiều công ty đã sụp đổ vì họ không thể trụ được trước cách chi tiêu này.

Để không phá sản: Chỉ đầu tư vào những thứ thực sự có thể giúp phát triển và bán sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty bạn. Mọi thứ khác đều có thể chờ cho đến khi có lợi nhuận để tái đầu tư.

4. Hứa hẹn quá nhiều mà không thực hiện được

Với nỗ lực cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn, chủ doanh nghiệp có thể đưa ra những lời nói dối “vô hại” về điều mà sản phẩm/ dịch vụ của họ có thể thực sự làm được. Chính điều này sẽ khiến doanh nghiệp thất bại và khách hàng của họ không hài lòng.

Để không phá sản: Hãy trung thực với khách hàng về những gì họ có thể mong đợi từ những món hàng họ mua. Cung cấp dịch vụ hỗ trợ và lắng nghe các thông tin phản hồi từ khách hàng để đảm bảo họ hoàn toàn hài lòng.

5. Trốn thuế doanh nghiệp khi đến hạn

Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ không quen với các luật hay thời hạn nộp thuế biên chế, mà thực ra là với rất nhiều các loại luật thuế kinh doanh và thời hạn nộp thuế khác. Tôi đã mắc sai lầm này với một trong các doanh nghiệp của mình, và các quan chức chính phủ đã đến đóng cửa công ty công ty.

Để không phá sản: Hãy dùng dịch vụ trả phí của bên ngoài khi vừa mới lập nghiệp để các đơn vị này thanh toán các khoản này hộ bạn. Giữ một tài khoản riêng biệt ghi nhận tất cả các loại thuế thu từ khách hàng, và đừng nhầm chúng với các tài khoản ghi nhận chi phí duy trì hoạt động văn phòng.

6. Sử dụng tiền đi vay cho các mục đích sai lầm

Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ vay tiền để bù đắp cho các khoản thua lỗ liên tục. Đây là một cách sai lầm để sử dụng có hiệu quả số tiền bạn đi vay.

Để không phá sản: Chỉ vay vốn để mua thiết bị,  hàng tồn kho hoặc để đáp ứng các nhu cầu về dòng tiền hàng kỳ. Hãy nhờ ngân hàng xem xét việc sử dụng khoản vay của doanh nghiệp mỗi khi bạn nộp đơn xin bổ sung nguồn vốn.

7. Không tiết kiệm cho các chu kỳ đi xuống

Tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động theo chu kỳ. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ sử dụng doanh số bán hàng, đặc biệt là các khoản tăng đột biến trong doanh số, để cấp tài chính cho công ty của họ. Tuy nhiên, khi nền kinh tế lao dốc, công ty mất đi khách hàng lớn nhất hoặc gặp phải một đối thủ cạnh tranh mới, họ mới nhận ra rằng họ đã đầu tư tất cả những gì họ có mà không còn khoản tiết kiệm nào.

Để không phá sản: Luôn luôn có đủ tiền tiết kiệm  để bù lỗ trong trường hợp doanh số giảm 75% so với mức doanh số hiện tại.

8. Giữ quá nhiều hàng tồn kho

Đừng mắc lỗi: Tích trữ hàng tồn kho là một việc tốn nhiều chi phí. Những công ty không để ý tới mức độ hàng tồn kho của họ có thể nhanh chóng trở nên hết sạch tiền.

Để không phá sản: Thiết lập các mức tồn kho một cách cẩn thận. Hãy tư duy một cách chiến lược về các chỉ số như tỷ lệ hàng tồn kho cần để đáp ứng nhu cầu khách hàng (fill rate), điểm yêu cầu đặt hàng lại và số lượng cần đặt để cân đối doanh số, dòng tiền và sự hài lòng của khách hàng.

9. Đặt cược tất cả tiền của bạn vào một sản phẩm, cá nhân hoặc nhà cung cấp

Rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ tự xem mình là một người ưa mạo hiểm - họ muốn đặt cược tất cả những gì mình có vào sản phẩm tiếp theo, hay một cá nhân hoặc nhà cung cấp sẽ đưa doanh nghiệp lên một tầm cao hơn.

Để không phá sản: Hãy chỉ chấp nhận các rủi ro có mức độ ảnh hưởng nhỏ. đã được tính toán cẩn thận để tiến từng bước một. Hãy thực hiện một khoản đầu tư nhỏ, sau đó kiểm tra kết quả để xem tiếp theo cần làm gì.

10. Không ngoảnh mặt khách hàng làm tổn hại việc kinh doanh của bạn

Thường thì chủ doanh nghiệp nhỏ tránh việc bỏ hay đặt ra giới hạn với các khách hàng. Bởi họ chỉ tập trung vào doanh thu, nên có lẽ họ nghĩ rằng họ cần tất cả thỏa mãn mọi đối tượng tiêu dùng.

Để không phá sản: Hãy xem xét xem khách hàng nào thực sự có lợi cho công ty của bạn và điều gì là phù hợp với sứ mệnh và văn hóa của công ty bạn. Đồng thời hãy tìm khách hàng mà doanh nghiệp bạn thực sự muốn hợp tác cùng. Những khách hàng không mang lại lợi ích hoặc nằm ngoài văn hóa của doanh nghiệp cần phải được đặt ra các giới hạn theo thời gian.

Nguồn : Theo Saga.vn
Duy Khúc

Kĩ năng Làm việc

    INFLATION Lạm phát là một hiện tượng kinh tế khi mà...
    Xem thêm >>