Mọi nhà giao dịch giỏi kiếm tiền sẽ cho bạn biết rằng, "Bạn có hai lựa chọn: hoặc là bám sát theo một kế hoạch có phương pháp, hoặc là thất bại"
Viết ra giấy chi tiết một bản kế hoạch giao dịch hoặc đầu tư là điều đáng mừng bởi không mấy ai làm việc này. Dù cho việc này không bảo đảm tuyệt đối sẽ đem lại thành công, nhưng khi làm vậy bạn đã loại bỏ một rào cản lớn. Việc bạn chưa chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc có sái sót trong kế hoạch là điều khó tránh khỏi, nhưng ít nhất bạn biết điểm chưa ổn của kế hoạch đó và có thể điều chỉnh lại cho phù hợp. Bằng cách cẩn thận ghi lại quá trình thực hiện, bạn sẽ biết mình phải làm những gì và có thể tránh lặp lại những sai lầm không đáng có.
Dưới đây là một số lời khuyên có ích cho bạn trong quá trình này.
Tránh những va vấp đầu tiên
Giao dịch là một hoạt động kinh doanh, vì vậy bạn phải rất thận trọng nếu muốn thành công. Việc đọc sách, mua phần mềm vẽ biểu đồ, mở tài khoản môi giới và bắt đầu giao dịch không phải là một kế hoạch kinh doanh mà là con đường đưa bạn đến thất bại. Ông John Novak, một nhà giao dịch giàu kinh nghiệm, người phát triển của Chương trình T-3 Fibs Protrader cho rằng "Nếu không tuân theo một kế hoạch được viết ra rõ ràng, bạn sẽ thất bại ngay khi gia nhập thị trường,"
Khi có thể dự đoán điểm dừng hoặc điểm đảo chiều, nhà giao dịch phải có hành động tương ứng. Dựa vào một kế hoạch để giao dịch là điều nên làm, nhưng khi thị trường đóng cửa, bạn cần phải rà soát, đánh giá lại kế hoạch đó. Kế hoạch giao dịch cần điều chỉnh theo điều kiện thị trường và phải phù hợp với kỹ năng của nhà giao dịch. Kế hoạch giao dịch cá nhân nên tính đến phong cách giao dịch và mục tiêu hướng đến. Sử dụng kế hoạch của người khác sẽ không tương thích với đặc thù của riêng bạn.
Xây dựng kế hoạch tổng thể hoàn hảo
Vậy thì điều gì tạo nên một kế hoạch giao dịch tốt? Dưới đây là 10 yếu tố cần thiết cho mọi kế hoạch:
Khả năng đánh giá
Bạn đã sẵn sàng để giao dịch? Bạn đã thử nghiệm chiến lược của mình trên sàn giao dịch chứng khoán ảo chưa và bạn có tự tin rằng chiến lược này sẽ hoạt động hiệu quả không? Bạn có thể đi theo những tín hiệu của thị trường mà không do dự hay không? Giao dịch là một trận chiến một mất một còn. Những chuyên gia thực thụ luôn sẵn sàng và họ sẽ kiếm lời từ đám đông, những người thiếu kế hoạch, đánh mất tiền của mình bởi những sai lầm chết người.
Chuẩn bị tâm lý
Bạn có cảm thấy mình đủ sức đương đầu với thử thách trước mắt không? Nếu chưa sẵn sàng về mặt cảm xúc và tâm lý để tham gia “chiến đấu” trong các thị trường, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi vì nếu không, bạn sẽ dễ mất hết tiền đấy. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra nếu bạn đang bực tức, mệt mỏi, bận rộn hoặc bị phân tâm bởi các việc khác. Nhiều nhà giao dịch có một câu thần chú mà họ nhẩm đọc liên tục trước ngày giao dịch. Bạn cũng có thể tạo một câu thần chú như vậy để trấn an mình.
Xác định mức độ rủi ro
Mỗi khi giao dịch, danh mục của bạn có thể chịu mức rủi ro ra sao? Mức này có thể nằm trong khoảng từ 1% đến 5% giá trị danh mục trong ngày giao dịch nhất định. Nghĩa là tại bất kỳ điểm nào trong ngày, nếu số tiền lỗ đạt đến ngưỡng đó, bạn sẽ ra khỏi thị trường. Yếu tố này phụ thuộc vào phong cách giao dịch và khả năng chấp nhận rủi ro của bạn. Khi diễn biến thị trường không như những gì bạn nghĩ, hãy ngừng giao dịch để “dưỡng sức” cho lần sau.
Thiết lập mục tiêu
Trước khi giao dịch, hãy thiết lập mục tiêu lợi nhuận khả thi cũng như tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận mong muốn. Tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận tối thiểu có thể chấp nhận là gì? Nhiều người sẽ không giao dịch trừ khi lợi nhuận tiềm năng ít nhất gấp ba lần rủi ro. Ví dụ, nếu điểm cắt lỗ của bạn là mất một đô la trên mỗi cổ phiếu, lợi nhuận mục tiêu của bạn nên là 3 đô. Hãy đặt mục tiêu lợi nhuận hàng tuần, hàng tháng và hàng năm bằng giá trị thực hoặc theo tỷ lệ phần trăm của danh mục đầu tư, và thường xuyên đánh giá lại chúng.
Nghiên cứu kỹ càng
Trước khi thị trường bắt đầu giao dịch, thế giới có những sự kiện gì? Các thị trường nước ngoài đang lên hay xuống? Các hợp đồng tương lai theo chỉ số như quỹ ETF chỉ số S & P 500 hay Nasdaq 100 tăng điểm hay giảm điểm? Hợp đồng tương lai theo chỉ số là một dấu hiệu tốt để đánh giá tình hình thị trường trước phiên giao dịch. Những số liệu kinh tế hoặc thu nhập nào chuẩn bị được công bố và thời điểm công bố là khi nào? Hãy dán một danh sách lên tường trước mặt bạn và quyết định xem bạn muốn giao dịch trước khi một báo cáo kinh tế quan trọng công bố hay không. Đối với hầu hết các nhà giao dịch, tốt hơn là nên chờ cho đến khi báo cáo được công bố để tránh rủi ro không cần thiết. Những chuyên gia giao dịch dựa trên xác suất chứ họ không đánh bạc vu vơ.
Chuẩn bị cho giao dịch
Trước ngày giao dịch, hãy khởi động lại máy tính của bạn để làm sạch bộ nhớ RAM. Dù bạn sử dụng hệ thống và chương trình giao dịch nào, hãy xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, thiết lập cảnh báo cho tín hiệu vào và ra cũng như đảm bảo rằng tất cả các tín hiệu thật rõ ràng cả về hình ảnh lẫn âm thanh để dễ nhận biết. Không gian giao dịch của bạn không nên có nhiều thứ gây mất tập trung. Hãy nhớ rằng, bạn đang kinh doanh, và sự phân tâm có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Đặt ra quy tắc rút khỏi thị trường
Hầu hết các nhà giao dịch phạm phải sai lầm khi quá tập trung tìm kiếm tín hiệu mua, nhưng lại ít chú ý xem khi nào nên ra khỏi thị trường. Nhiều nhà giao dịch không muốn bán khi mất giá vì họ không muốn bị lỗ. Hãy vượt qua cảm giác này hoặc bạn sẽ không thể trở thành một nhà giao dịch giỏi. Thua lỗ chỉ ra rằng bạn đã sai. Đừng cay cú. Nhà giao dịch chuyên nghiệp lỗ nhiều hơn lãi, nhưng họ biết cách quản lý tiền vốn và hạn chế thua lỗ nên đến cuối cùng vẫn kiếm được lời.
Trước khi giao dịch, bạn nên tìm điểm ra khỏi thị trường cho mình. Có ít nhất hai thời điểm như vậy cho mọi giao dịch. Thứ nhất, mức cắt lỗ của bạn là gì khi giao dịch diễn ra ngược với kỳ vọng của bạn? Bạn phải viết điều này ra. Đừng cho rằng tâm lý của bạn đủ vững. Thứ hai, mỗi giao dịch phải có mục tiêu lợi nhuận. Khi đã đạt được mục tiêu đó, hãy bán một phần vị thế của mình và bạn có thể đặt lệnh cắt lỗ cho phần còn lại đến điểm hòa vốn nếu muốn. Như đã nói ở trên, đừng bao giờ chấp nhận rủi ro vượt quá một tỷ lệ xác định của danh mục đầu tư.
Đặt ra quy tắc vào thị trường
Lời khuyên này đưa ra sau lời khuyên về ra khỏi thị trường vì lý do: ra khỏi thị trường quan trọng hơn rất nhiều so với vào thị trường. Một nguyên tắc vào thị trường điển hình có thể được diễn đạt như thế này: "Nếu có tín hiệu và có mục tiêu lợi nhuận tối thiểu gấp ba lần mức lệnh cắt lỗ và đang ở ngưỡng hỗ trợ, hãy mua ngay hợp đồng hoặc cổ phần X." Chiến lược của bạn cần phức tạp một chút để có hiệu quả, nhưng phải đơn giản để có thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Nếu phải đạt được 20 điều kiện và phần lớn những điều kiện này mang tính chủ quan, bạn sẽ gặp khó khăn khi giao dịch. Máy tính thường giao dịch tốt hơn so với người. Điều này lý giải tại sao gần 50% tất cả các giao dịch diễn ra trên thị trường chứng khoán New York là kết quả của chương trình máy tính. Máy tính không phải suy nghĩ hoặc cảm thấy vui vẻ để giao dịch. Nếu điều kiện được đáp ứng, chúng sẽ mua. Khi giao dịch có vấn đề hoặc đạt đến mục tiêu lợi nhuận, chúng sẽ bán. Chúng không bực tức hoặc tự mãn sau khi giao dịch thành công. Mỗi quyết định được dựa trên xác suất.
Lưu lại lịch sử giao dịch
Nhà giao dịch giỏi là người biết cách ghi lại hoạt động của mình. Nếu giao dịch thành công, họ muốn biết chính xác lý do và cách thức của thành công đó. Quan trọng hơn, họ làm điều tương tụ khi thua lỗ, để không lặp lại sai lầm. Hãy viết ra mục tiêu, quy tắc mua và bán khi giao dịch, thời điểm, ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, biên độ mở cửa hàng ngày, giá mở và đóng cửa trong ngày và ghi lại lý do giao dịch cũng như bài học rút ra. Ngoài ra, bạn nên lưu lại lịch sử giao dịch của bạn để khi cần có thể tìm lại và phân tích lợi nhuận hoặc tổn thất của một chiến lược cụ thể, số lỗ (số tiền bị mất trong mỗi giao dịch khi áp dụng một chiến lược), thời gian trung bình cho mỗi giao dịch (cần tính toán hiệu suất giao dịch) và các yếu tố quan trọng khác, và cũng có thể so sánh chúng với chiến lược “mua và giữ”. Hãy nhớ rằng, đây là một hoạt động kinh doanh và bạn là người làm kế toán.
Rà soát và tổng kết
Sau mỗi ngày giao dịch, tính toán lãi lỗ không quan trọng bằng việc biết tại sao và bằng cách nào bạn đạt được kết quả như vậy. Hãy ghi lại kết luận của bạn trong nhật ký giao dịch để tham khảo sau.
Lời kết
Thành công khi giao dịch ảo không đảm bảo rằng bạn sẽ thành công trong thị trường thực và thường thì khi đó cảm xúc sẽ có ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, giao dịch ảo giúp nhà giao dịch tự tin với chiến lược của mình. Xác định chiến lược không quan trọng bằng việc đạt được những kỹ năng cần thiết để bạn có thể giao dịch mà không võ đoán hoặc nghi ngờ về quyết định của mình.
Không có gì đảm bảo rằng một giao dịch sẽ làm ra tiền. Cơ hội thành công phụ thuộc vào kỹ năng và chiến lược của người giao dịch. Thắng thua là chuyện thường tình. Nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ không giao dịch trong những điều kiện bất lợi. Trong nỗ lực tối đa lợi nhuận và giảm thiểu tổn thất, nhà giao dịch có thể tạm thua trong ngắn hạn, nhưng đến cuối họ sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà giao dịch và nhà đầu tư lại làm ngược lại, và đó là lý do tại sao họ không bao giờ kiếm ra tiền.